THÔNG TIN DU LỊCH NINH CHỮ
MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ DU LICH TỈNH NINH THUẬN:
NINH THUẬN
(Mã vùng 84 - 68)
Diện tích: 3 360 km2
Dân số (2002): 542 600 người
Tỉnh lỵ: thị xã Phan Rang - Tháp Chàm.
Các huyện: Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn
Dân tộc: Việt (Kinh), Chăm, Raglai, Cơ Ho, Hoa
Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam, phía bắc giáp Khánh Hoà, phía tây giáp Lâm Đồng, phía nam giáp Bình Thuận và phía đông giáp biển Đông.
Ninh Thuận được bao bọc 3 mặt là núi: phía bắc và phía nam tỉnh là 2 dãy núi cao nhô ra sát biển, phía đông là vùng núi cao của tỉnh Lâm Đồng. Địa hình có 3 dạng: miền núi, đồng bằng, vùng ven biển. Tỉnh có 2 hệ thống sông chính: hệ thống sông Cái, bao gồm các sông nhánh như sông Mê Lam, sông Sắt, sông Ông, sông La, sông Quao... và hệ thống các sông suối nhỏ phân bố ở phía bắc và nam tỉnh như sông Trâu, sông Bà Râu
Thị xã Phan Rang nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1A, đường số 11 lên Đà Lạt. Phan Rang cách Tp Nha Trang 105 km, Đà Lạt 110 km, Tp Hồ Chí Minh 350 km và Hà Nội 1382 km.
Ninh Thuận đang hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: nho, thuốc lá, mía, đường, bông, hành, tỏi và nuôi trồng thủy sản. Ninh Thuận là một trong số các ngư trường lớn của nước ta. Ninh Thuận là một bức tranh hài hoà giữa đồng bằng, đồi núi và biển cả. Nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang, Ninh Thuận có những thắng cảnh: bãi biển Ninh Chữ, bãi biển Cà Ná, đèo Ngoạn Mục, thủy điện Đa Nhim và di tích lịch sử quí giá là các tháp Chàm: Pôklông Garai, Pôrômê, Hoà Lai,... hầu như còn nguyên vẹn. Đến thăm nơi đây du khách có thể tham gia nhiều loại hình du lịch: tắm biển, nghỉ dưỡng, du thuyền, leo núi, săn bắn, tham quan các di tích lịch sử, hoặc tham dự các lễ hội của người Chăm.
Di tích - Danh thắng: Bãi tắm Ninh Chữ; Làng du lịch Cà Ná; Núi Đá Trắng; Tháp Pôklông Garai; Tháp Pôrômê; Tháp Hoà Lai; Vịnh Vĩnh Hy.
Di tích - Danh thắng: Bãi tắm Ninh Chữ; Làng du lịch Cà Ná; Núi Đá Trắng; Tháp Pôklông Garai; Tháp Pôrômê; Tháp Hoà Lai; Vịnh Vĩnh Hy.
Lễ hội: Lễ hội Katê; Lễ hội Cha Bun; Lễ hội Rija Nưga; Lễ hội Jòn Jang
Nhóm di tích tháp cổ Pô-Sha-Nư
Vị trí: Nhóm di tích tháp cổ Pô-Sha-Nư, hay còn gọi là tháp Phú Hải, thuộc phường Thanh Hải, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Đặc điểm: Nhóm di tích tháp cổ Pô-Sha-Nư là cả một tổng thể kiến trúc đền tháp của người Chăm - thờ các tiểu tiên nữ con gái thần mẹ Pô Nagar.
Đây là tuyệt tác của dân tộc Chăm để lại cho nhân loại. Nhóm tháp này gồm 3 tháp và nhiều tháp bị đổ khác nay chỉ còn lại phế tích và nền móng. Ba ngôi tháp hiện còn phân bổ trên 2 tầng đất, quay mặt về hướng đông. Cả ba ngôi tháp đều là tháp vuông nhiều tầng, có niên đại thế kỷ 8, ở phong cách Mỹ Sơn E1 (phong cách kiến trúc Chăm cổ). Có một số yếu tố kiến trúc như cột trụ tròn ở các cửa giả, mi cửa...tương tự như ở các đền tháp Khmer.
Nhóm tháp Chàm Pô-Sha-Nư toạ lạc trên một ngọn đồi có tên "Lầu Ông Hoàng", cách thành phố Phan Thiết 6km về phía đông bắc.
Hàng năm vào tháng giêng âm lịch, các lễ hội Rija Nưga, Poh Mbăng Yang được tổ chức dưới chân tháp. Nhân dân làm lễ cầu mưa, cầu xin những điều tốt lành.
Bên cạnh khu tháp Pô-Sha-Nư là các di tích "Lầu Ông Hoàng", chùa Bửu Sơn, núi Cố nơi có mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông. Tiếp tục cuộc hành trình dọc bãi biển đến đá Ông Địa, biển Mũi Né... du khách sẽ bị lôi cuốn vào bức tranh giàu hương vị biển mặn mà, độc đáo.
Khu du lịch Vĩnh Hy:
Vị trí: Vĩnh Hy thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Đặc điểm: Vĩnh Hy được ví như nơi nối rừng với biển. Nới đây có làng chài Vĩnh Hy cạnh đó là ốc đảo Vĩnh Hy quyến rũ bởi địa thế hiểm trở, một mặt là biển và 3 bề rừng núi bạt ngàn.
Khởi hành từ thị xã Phan Rang theo tỉnh lộ 702, du khách sẽ luồn qua những cung đèo xuyên rừng mai và khộp lá vàng, đặc trưng cho khí hậu khô nóng miền cực nam. Đâu đó một làng chài ẩn hiện, xóa tan sự tĩnh mịch của núi rừng.
Du khách có thể thám hiểm vịnh Vĩnh Hy với một chiếc thuyền nhẹ, chở được 4 người. Chèo thuyền men theo vách núi ăn ra sát biển, khách sẽ thăm thú được toàn bộ vịnh. Giữa làn nước trong xanh tĩnh lặng, từng đàn cá cơm bạo dạn bơi lội quanh thuyền. Xa xa về phía nam là những doi cát chạy dài, ôm cong bờ biển.
Sau khi thám hiểm, du khách có thể thả mình trong bãi tắm hoang sơ, vắng vẻ hoặc vào làng chài và tìm hiểu sinh hoạt của họ với những nghề làm mắm, hấp cá và cùng ngư dân kéo lưới, thưởng thức các đặc sản biển.
Rời vịnh, vượt qua 1 cầu treo và sau 15 phút đi bộ, khách sẽ gặp khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa. Chuyến du khảo thú vị sẽ đưa du khách đến với làn nước mát lạnh của suối Lồ Ô, bắt nguồn từ những dòng nhỏ, luồn lách trong các khe rừng rồi chụm lại đây. Hai bên suối là các phiến đá bằng phẳng, được che mát bởi những tán cổ thụ rậm rạp. Vào những ngày quang đãng, ánh sáng mặt trời bị khúc xạ bởi bọt nước trong không trung tạo nên cầu vồng rất kỳ thú.
Tháp Pôklông Garai
Vị trí: Tháp nằm ở phía tây thị xã Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận gần ga xe lửa mang tên ga Tháp Chàm, cách trung tâm thị xã khoảng 7km.
Đặc điểm: Tháp Pôklông Garai: được xem là trung tâm điểm rực rỡ nhất của nền văn minh Chăm, do vua Chế Mân chỉ đạo xây dựng từ cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 đạt đỉnh cao trong kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc của dân tộc Chăm.
Ðây là một nhóm gồm 6 tháp nay còn lại 4 tháp tương đối nguyên vẹn.
Tháp chính thờ vua Pôklông Garai (1151 - 1205). Ông đã có nhiều công lao to lớn đối với dân tộc Chăm ở vùng đất phía nam mới được khai khẩn, nhất là trên lĩnh vực thuỷ lợi (đập Nha Trinh, đập Sông Cấm ở phía tây Phan Rang). Hơn thế nữa dưới triều vua Pôklông Garai trị vì, đất nước Chăm được hưng thịnh, nhân dân được ấm no. Theo truyền thuyết, đây là ông vua bị bệnh hủi nhưng rất dũng cảm.
Tháp này còn khá nguyên vẹn có hình tứ giác. Tháp cao 21,59m. Trong quá trình khai quật nghiên cứu và tu sửa tháp trước kia người Pháp đã tìm thấy một số bát bằng vàng, bạc và đồ trang sức. Gần đầy khi tu sửa tháp, ngành khảo cổ Việt Nam cũng tìm thấy một số bát vàng.
Ở mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của từng tháp được trang trí bằng các họa tiết đá, gốm với đủ loại hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần...
Tháp Pôklông Garai còn lại tương đối nguyên vẹn, quý và hiếm trên đất nước ta và trên thế giới về loại hình kiến trúc này và đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận di tích năm 1979.
Nhận xét
Đăng nhận xét